Thông tin được đưa ra tại hội thảo "Hồ trữ nước đảm bảo cấp nước an toàn cho thành phố Hồ Chí Minh”, do Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Giao thông – Vận tải thành phố tổ chức sáng nay (8/4) cho biết: "Các trạm cấp nước sinh hoạt trên sông Sài Gòn và sông Đồng Nai luôn phải ngừng bơm nước thô một số giờ trong ngày, do độ mặn vượt mức cho phép”.
Nước mặn xâm nhập kéo dài có thể khiến các nhà máy ngưng trệ hoạt động (Ảnh: VnExpress)
Theo các chuyên gia, vấn đề trước mắt hiện nay là khắc phục tình trạng các nhà máy nước phải ngừng sản xuất trong một số giờ trong ngày, khi độ mặn vượt ngưỡng cho phép. Trong đó việc xây dựng hồ chứa được cho là khả thi. Hồ chứa nước thô sẽ cung cấp nước trong trường hợp chất lượng nước thấp.
Tại hội thảo, 4 giải pháp hữu hiệu nhất được nêu lên, đó là: xây dựng hồ chứa nước thô 1 ngày, hồ chứa nước thô nhiều ngày; hồ chứa nước thô đa chức năng và cuối cùng là lắp đặt đường ống truyền dẫn nước thô từ hồ Dầu Tiếng về thành phố Hồ Chí Minh.
Theo thạc sĩ Nguyễn Công Thành, chuyên gia cấp thoát nước thì thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn bị động về nguồn nước. Nguyên nhân là do toàn bộ nguồn nước của thành phố đang sử dụng được lấy từ các địa phương khác qua hệ thống sông Sài Gòn, sông Đồng Nai hay sông Vàm Cỏ Đông chứ thành phố không có lượng nước tích trữ riêng, không có hồ, không có đập. Do đó, việc xây dựng hồ trữ nước thô trong điều kiện biến đổi khí hậu khắc nghiệt như hiện nay là vô cùng cần thiết.
Ông Nguyễn Công Thành cho biết: "Nguồn nước ở thành phố Hồ Chí Minh đang dùng là nước của sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Nhưng 2 nguồn nước này đang bị ô nhiễm và hay bị nhiễm mặn. Ô nhiễm bởi mặn và ô nhiễm bởi sinh hoạt của con người và các hoạt động kinh tế. Vấn đề được đặt ra là bảo đảm cấp nước được an toàn trong bối cảnh biến đổi khí hậu”./.